Hằng năm nhiều ứng viên tìm đến Úc để du học bởi hệ thống giáo dục tiên tiến, chi phí tương đối rẻ hơn các nước châu Âu, Mỹ. Bên cạnh đó, ở Úc có một số ngành nằm trong danh sách ưu tiên để sau khi học xong ra trường có thể xin ở lại làm việc. Phần lớn du học sinh đều mong muốn mình đến Úc với suất học bổng trong tay.
Chuẩn bị chu đáo yếu tố nền tảng
Nhiều sinh viên muốn giành học bổng du học Úc nhưng bản thân lại lơ là, bỏ qua những yếu tố nền tảng: ngoại ngữ, chứng nhận các hoạt động xã hội, thành quả về học tập và nghiên cứu. Tựu chung, những “bằng chứng thuyết phục” nhất đối với trường tuyển sinh thì hoàn toàn không có.
Các ứng viên có thể xin lại bảng điểm hay các giấy tờ liên quan để xin học bổng, tuy nhiên điều này sẽ tốn thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư khác để ứng cử học bổng. Vậy nên các giấy tờ từ thời phổ thông như học bạ, bảng điểm, giấy khen, giấy chứng nhận phải luôn luôn nằm an toàn trong túi sơmi tinh tươm, chỉ cần “xòe tay là có” ngay cả khi bạn chỉ “mơ hồ” về chuyện xin học bổng du học.
Chị Lê Mai Hương, du học sinh đạt học bổng tại Trường La Trobe (Úc), chia sẻ trên trang cá nhân của chị: “Hồi mình làm ở trong nước và có dịp tuyển người, đã rất ấn tượng với một em mang theo một xấp dày bao gồm hồ sơ và các sản phẩm của em ấy”. Lưu giữ toàn bộ thành quả của mình trong quá khứ theo một cách khoa học sẽ không bao giờ thừa.
Để giành được học bổng, bạn cần bỏ ra ít nhất một năm rưỡi miệt mài đầu tư.
Có mục tiêu là có “kim chỉ nam”
Các ứng viên cần hết sức hạn chế suy nghĩ “nộp theo kiểu rải truyền đơn, đậu cái nào hay cái đó”. Nguồn lực trong tay ứng viên, gồm phí ứng tuyển vào trường, số lá thư giới thiệu của cấp trên (thầy cô, giáo sư, sếp…), thời gian… đều có hạn.
Vậy nên nhất thiết phải nghiêm túc xác định mục tiêu của mình: Học gì? Học ở đâu? Học bổng nào tốt nhất cho bản thân? Học xong sẽ làm gì, ở đâu? Cần có nhiều lựa chọn và phân loại ưu tiên để thu xếp nguồn lực và hy sinh một cách tương đối “cái nhỏ” để được thu về “cái lớn hơn”.
Ví dụ, ai cũng muốn có học bổng toàn phần, đồng thời học trong một trường đại học “tốp nhất”. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ vì những trường xếp hạng tốt thì độ cạnh tranh cao hơn rất nhiều. Trong khi nếu đầu tư sâu cho những trường “thấp hơn một chút” thì cơ hội đậu sẽ cao hơn đáng kể.
Phải đầu tư thời gian và tiền bạc ra sao?
Nhiều du học sinh từng đạt học bổng Úc ví von việc nộp học bổng giống việc câu một con cá. Có thể may mắn bạn sẽ được cá cắn câu rất nhanh. Nhưng mẫu chung của việc “câu cá học bổng” mấu chốt nằm ở sự kiên nhẫn.
Nhiều ứng viên vừa nghe đàn anh, đàn chị khuyên “chuẩn bị tầm 1-2 năm” thì đã quay lưng bỏ chạy. Nhưng thật sự đó không phải là một khoảng thời gian dài. Bởi lẽ nếu đạt học bổng, bạn sẽ được vài trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng mỗi năm cho học phí, sinh hoạt phí. Nếu “làm mà được ngay” thì đó là chuyện không tưởng.
Hãy thử tính nhẩm từ khi nộp hồ sơ đến lúc thông báo kết quả, nhanh nhất cũng phải khoảng sáu tháng. Nếu đậu, phải mất thêm 2-3 tháng nữa để chuẩn bị đi học. Đó là chưa kể trước đó bạn phải bỏ thời gian vài ba tháng (có khi là vài ba năm) để học ngoại ngữ, đặc biệt các kỹ năng viết và trình bày vấn đề bằng tiếng Anh nếu không muốn “chết ngộp”, “chết đuối” trước cộng đồng sinh viên Úc và sinh viên quốc tế. Thế nên nếu bạn mất khoảng một năm mới có kết quả thì đó là con số tối thiểu và suôn sẻ đáng mừng.
Bên cạnh thời gian, các khoản chi phí học ngoại ngữ, thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như TOEFL hay IELTS; các chi phí chuyển phát quốc tế, chi phí nộp hồ sơ ứng tuyển vào trường (hồ sơ xin admission) trước khi xin học bổng không phải là con số nhỏ.
Nhiều ứng viên sợ thi ngoại ngữ không đạt phải thi lại tốn kém; lo lắng thi đạt ngoại ngữ lại “rớt cái khác” nên tốn tiền; sợ mất thời gian đi làm thêm, nghĩa là vừa tốn kém lại vừa mất tiền. Nhưng cần biết mọi đầu tư đều có rủi ro và đánh đổi; việc đầu tư có thể lời nhưng cũng có thể mất hết tiền. Tuy nhiên, số tiền mà các ứng viên bỏ ra, nếu biết chuẩn bị và tính toán thì sẽ chẳng là gì so với mức học bổng và những kiến thức, trải nghiệm rất đáng giá.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét